Lịch sử Chùa Một Cột

Chùa Một Cột năm 1896.Chùa Diên Hựu, tức chùa Một cột.

Chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất.[1]

Nhưng theo cuốn Hà Nội-di tích lịch sử và danh thắng, nhóm các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Doãn Đoan Trinh, Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân, Nguyễn Thanh Mai, Đàm Tái Hưng tiến hành nghiên cứu văn bia dựng tại chùa năm Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông do Tỳ khưu Lê Tất Đạt khắc ghi, thì thấy rằng: tại vị trí chùa Một Cột ngày nay, vào thời nhà Đường (năm Hàm Thống thứ nhất) một cột đá trên có ngôi lầu ngọc (với tượng Phật Quan Âm ở trong) đã được dựng giữa một hồ nước vuông. Vua Lý Thái Tông thường đến cầu nguyện, khi được hoàng tử nối dõi liền tu sửa lại thành chùa, xây thêm một ngôi chùa bên cạnh chùa Một Cột (cách 10 m về phía Tây Nam) và đặt tên cả quần thể chùa này là Diên Hựu tự (với nghĩa là "phúc lành dài lâu" hay "phước bền dài lâu").[2]

Năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột. Báo Tia Sáng ngày 10 tháng 9 năm 1954 đưa tin "..., chùa Một Cột di tích liệt hạng của Hà Thành đã sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất..."

Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu lớn chùa Một Cột (chùa Diên Hựu), xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ. Chùa Một cột chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955 do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.

Chùa Một Cột chỉ có một gian nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu nhỏ có trồng hoa sen. Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, làm tòa sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.

Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân khắp Kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.

Đến năm 1105, vua Lý Nhân Tông cho sửa ngôi chùa và cho dựng trước sân hai tháp lợp sứ trắng.

Văn bia tháp Sùng thiện diên linh (chùa Đọi, Hà Nam), năm 1121 viết: "Do lòng sùng kính đức Phật và dốc lòng mộ đạo nhân quả (đạo Phật) nên hướng về vườn Tây Cấm nổi danh (ngôi vườn ở phía tây cấm thành Thăng Long đời Lý) mà xây ngôi chùa sáng Diên Hựu theo dấu vết chế độ cũ, cùng với ý mưu mới của nhà vua (ý nói: theo dấu vết lề lối xây dựng chùa đời Lý Thánh Tông, có thêm ý mới của Lý Nhân Tông mà chữa lại chùa đẹp hơn trước)".

Đến thời nhà Trần, chùa đã không phải là ngôi chùa nhà Lý nữa vì sách cũ đã ghi: Năm 1249, "...mùa xuân, tháng giêng, sửa lại chùa Diên Hựu, xuống chiếu vẫn làm ở nền cũ...".

Chùa Một Cột được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 và vào năm 1922. Đài Liên Hoa chúng ta thấy hiện nay được sửa chữa lại năm 1955 do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm, sau khi bị đặt mìn giật sập bởi toán lính công giáo của linh mục Lê Hữu Từ và Hoàng Quỳnh vào ngày 10 tháng 9 năm 1954[3].

Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) có một bài thơ về chùa Một Cột như sau:

延祐寺上方秋夜一鐘闌 (蘭)月色如波楓樹丹鴟吻倒眠方鏡冷塔光雙峙玉尖寒萬緣不擾城遮俗半點無憂眼放寬參透是非平等相魔宮佛國好生觀Diên Hựu tựThượng phương thu dạ nhất chung lanNguyệt sắc như ba phong thụ đanSi vẫn đảo miên phương kính lãnhTháp quang song trĩ ngọc tiêm hànVạn duyên bất nhiễu thành giá tụcBán điểm vô ưu nhãn phóng khoanTham thấu thị phi bình đẳng tướngMa cung Phật quốc hảo sinh quanChùa Diên Hựu (Nguyễn Huệ Chi dịch)Đêm thu chùa thoảng tiếng chuông tànPhong đỏ, trăng ngời, sóng nguyệt lanIn ngược hình chim, gương nước lạnhSẫm đôi bóng tháp, ngón tiên hàn.Muôn duyên chẳng vướng: xa trần tụcMột mảy nào lo: rộng nhãn quanThấu hiểu thị phi đều thế cảDầu ma dầu Phật, chốn nào hơn?

Cạnh chùa Một Cột ngày nay còn có một ngôi chùa có cổng tam quan, với bức hoành phi ba chữ "Diên Hựu tự", nguyên là công trình được dựng lần đầu tiên năm 1049, để mở rộng quy mô cho chùa Một Cột trong việc thờ cúng, tụng kinh Phật và sinh hoạt của các tăng ni (trong quần thể chùa Diên Hựu lúc đó). Kiến trúc còn lưu đến hiện nay của công trình này có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ 18[2] (đợt trùng tu năm 1847), phụ vào với chùa Một Cột.

Chùa Một Cột ngày nay cùng chùa Diên Hựu hiện đại (tức là quần thể chùa Diên Hựu xưa) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đợt đầu tiên năm 1962.[4][2]

Ngày 4 tháng 5 năm 2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là "Kỷ lục Việt Nam" và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á. Sau thời gian thẩm định để xác lập, ngày 10 tháng 10 năm 2012, tại Faridabad (Ấn Độ)[5], Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất" cho chùa Một Cột[4].